Bài viết không phân tích các mô hình đặc khu thất bại hay thàng công trên thế giới, kể cả tiền khởi đặc khu Chu Lai Quảng Nam của Việt nam để luận giải ý kiến phản biện với dự luật Đặc khu. Tại sao? Thứ nhất, mỗi quốc gia có đặc thù tự nhiên (hệ sinh thái), hạ tầng văn hóa xã hội và thể chế chính trị đặc thù của quốc gia đó. Thứ hai, mỗi quốc gia, vai trò của người đứng đầu cùng với bộ máy quản trị cương lĩnh, ý chí chính trị của người đứng đầu không thể giống nhau; Thứ ba, nền tảng hồn cốt về hiểu biết và ý thức trách nhiệm của công dân trước vận mệnh của mỗi quốc gia không thể giống nhau.
Nhân dân Việt nam không những để lại cho quốc gia Việt nam một nền tảng lịch sử bản lĩnh và ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội rất độc đáo, mà còn là một quốc gia có địa thế cảnh quan và nguồn tài nguyên thiên nhiên do tạo hóa ban tặng rất đặc thù. Ba điểm lựa chọn để đưa ra dự luật ba đặc khu hành chính kinh tế là ba địa thế chiến lược nhất của quốc gia. Theo đó, không thể phân tích vì nước này hay nước khác đã thành công hay thất bại, để đưa ra những luận giải phản đối hay ủng hộ sự cần thiết có các đặc khu hành chính kinh tế hay không cần thiết trên các cách hiểu và cách tranh luận đa chiều.
Do vậy, bài viết tập trung phân tích 85 Điều thuộc VI chương và 5 phụ lục của Dự luật Đặc khu hành chính kinh tế, tương quan độc đáo giữa các điều và các chương trong dự luật, tìm ra những điều, những điểm thể hiện tư duy đột phá về thể chế, sáng tạo về tư duy, chuyên nghiệp và logic trong phong cách quản trị của dự luật được định danh là “Đặc khu hành chính kinh tế” của một quốc gia mới nổi.
Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ toàn bộ 85 Điều, tại Chương II. Qui hoạch đặc khu, Chương III. Cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế- xã hội tại đặc khu và Chương IV. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước ở Đặc khu, đây là ba chương trụ cột quyết định hồn cốt của chiến lược Đặc khu thì quả là thất vọng hoàn toàn. Thứ nhất, cả ba chương này toát lên một hiện tượng vô hồn của toàn dự luật. Thứ hai, cả ba chương của dự luật trống vắng cả chính kiến lẫn tư duy của một dự luật đặc khu hành chính kinh tế. Thứ ba, phong cách sử dụng từ ngữ tại các điều, các điểm không thể hiện ngữ nghĩa mang tính luật, đặc biệt là luật đặc khu. Thứ tư, cái gọi là đặc khu chỉ có thể hiểu qua từ, ngữ và nghĩa được thể hiện rõ nhất là bán bất động sản (tài nguyên đất) 99 năm cho các chủ đầu tư kinh doanh và, các hạng mục phát triển thể hiện ở 5 phụ lục là một liệt kê rập khuôn, máy móc, thiếu hiểu biết và thể hiện một dự luật được chép lại từ những thông điệp phát triển kinh tế bình thường như mọi nơi vẫn a zua lẫn nhau trên toàn thế giới. Thứ năm, một dự luật thiếu cả những hiểu biết cơ bản nhất về định hướng chiến lược kinh tế thuầy túy của một quốc gia có một lịch sử phát triển độc đáo và sáng tạo xưa và nay thể hiện tại các Điều 10,11,12,13,14 Quy hoạch, thẩm định qui hoạch, duyệt qui hoạch, Điều 41,42,43,44 gọi là cơ chế ưu đãi, Điều 54,55,56,57 gọi là chính sách ưu đãi với tổng vốn dự kiến huy động cho cung cấp hạ tầng kỹ thuật miễn phí từ phía Việt nam lên tới 1,57 triệu tỉ VNĐ, tương đương với 70 tỷ USD là một nguồn lực khổng lồ tiêu xài vì những mục tiêu không phục vụ yêu cầu phát triển của quốc gia là quá phi lý và lãng phí mà không hỏi ý dân là coi thường dân, bởi vì mọi chi tiêu của Chính phủ đều từ nước mắt, mồ hồi và máu chia sẽ và góp thuế xây dựng đất nước của nhân dân. Điều 60,61,62,63,64,65 gọi là quản trị đặc khu mà bản chất là bành trướng thêm những tụ điểm phát triển kinh tế đơn thuần đề chào mời các nhà kinh doanh tiền tệ, và theo đó là một qui trình quản trị rập khuôn bất đắc dĩ như bao nhiêu tụ điểm kinh tế khác hiện nay. Khu kinh tế công nghiệp Formosa đang diễn ra trước mắt quá đủ cho Quốc Hội và Bộ Chính trị suy ngẫm về một kịch bản ấu trỉ của quá khứ, để thiết kế cho một kịch bản phát triển kinh tế hiện tại ít nhất không lặp lại quá khứ sai lầm của Formasa kia nói riêng; và kinh nghiệm xương máu sau chiến tranh, với sự thất bại đau đớn trong quản trị 11 tập đoàn kinh tế và 90 tổng công ty nhà nước suốt 42 năm qua đã chứng minh năng lực quản lý yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, thiếu minh bạch và thiếu kinh nghiệm quản trị đã để lại hậu họa cho đất nước và nhân dân phải gánh chịu không chỉ dừng lại ở 42 năm qua, mà dư âm còn dai giẳng nhiều thập kỷ tới gây tổn thương và sự phân tâm lớn tới lòng dân và ý Đảng cũng như niềm tin vào sự lãnh đạo đất nước của thế hệ tương lai. Do vậy, việc Quốc hội xin lỗi và chấm dứt dự định xây dựng dự án luật ba đặc khu trước nhân dân là việc làm ân nghĩa đối với dân theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư “Việc đại sự phải biết hỏi ý dân”!./.
Trần thị Lành - Phản biện hủy dự án ba đặc khu kinh tế tại Tọa đàm “Xây dựng luận cứ khoa học cho dự án ba đặc khu kinh tế” ngày 19.08.2018, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong - Hà nội.