Nghe nội dung Tại đây
Con đường đưa ta lên Cao nguyên Măng đen cách đây không bao lâu dường như không mấy dấu chân người. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự tại mà kỳ vĩ của núi rừng nơi đây, chúng ta cần biết ơn bà con các tộc người đang âm thầm phụng dưỡng thiên nhiên hàng ngàn đời nay, mà vốn dĩ giá trị quí báu đó vẫn đang bị xã hội hiện đại coi là mê tín, lạc hậu, cả xưa và nay.
Cố nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng ví: “Hồn Tổ quốc ngự nơi rừng sâu thẳm; Rừng suy tàn Tổ quốc suy vong”.
Với các Làng sinh ra từ rừng, “Rừng là không gian sinh tồn và là nơi thực hành các nghi lễ, một món ăn tinh thần của bao thế hệ sống gắn bó với rừng. Rừng cũng là trường học về những chuẩn mực ứng xử của Làng, rừng là bệnh viện của Làng, rừng là kho báu ban tặng sinh kế hàng ngày của bà con. Rừng không ở lại với Làng, Làng trở nên vô hồn, vô hướng và đìu hiu”! Làng trong quan niệm của đồng bào “Là một gia đình lớn với nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên và cùng nhau nương tựa để sinh tồn trong minh triết, và những thuần phong mỹ tục phụng dưỡng thiên nhiên của Làng theo thời gian”.
Triết lý giản đơn đó, đang trở thành nôi nuôi dưỡng những hành vi cho những ai vẫn chìm ngụp trong xã hội hiện đại, xa lìa và lãnh cảm với rừng. Măng Đen, điểm hẹn Tâm đầu Ý hợp giữa Luật Làng và Chủ trương của Nhà nước, giữa Lòng lân và Ý Chính quyền, vẫn còn ăm ắp hệ giá trị bằng hữu giữa con người và thiên nhiên để chia sẽ và trao truyền tới những ai muốn định vị lại chính mình.
Lối mòn hàng ngày dẫn bà con người Hrê, Làng Vi Ô Lăc, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tới thăm Núi mẹ Y Phu và Thác nước Hà Lênh mỗi mùa hội lễ. Những thửa ruộng bậc thang, nơi hàng chục giống lúa địa phương được bà con H’rê canh tác theo phương thức nương tựa vào dòng dinh dưỡng từ Núi Mẹ Y PHU, thác nước Hà Lênh và vang rừng HARO, chảy về ruộng Vi Nông, thêu dệt nên một cảnh quan đẹp, thơ mộng và yên bình. Nơi đây, Làng Violak đặt trọn niềm tin yêu của mình với núi rừng, và là Nôi Tâm linh của Làng trong minh triết Phụng dưỡng Thiên nhiên.
Tải về để xem chi tiết!